Khi uống thuốc theo đơn hoặc thuốc không kê đơn (OTC) cùng thực phẩm bổ sung vitamin, khoáng chất hoặc thảo mộc khác… có thể gây tương tác thuốc nguy hiểm cho người dùng.
Điều này là do một số chất bổ sung có thể làm thay đổi sự hấp thụ, chuyển hóa hoặc thải trừ của thuốc, ảnh hưởng đến hiệu lực của thuốc làm cho bạn có thể nhận quá nhiều hoặc quá ít lượng thuốc cần thiết, ảnh hưởng tới hiệu quả điều trị bệnh…
1. Uống thuốc cùng thực phẩm bổ sung có thể gây nguy hiểm
Thực phẩm bổ sung được sử dụng rộng rãi, bao gồm vitamin, khoáng chất, axit amin, thảo dược và các thành phần có nguồn gốc từ thực vật. Thực tế có rất nhiều người đang sử dụng một số loại thực phẩm bổ sung cùng với thuốc theo toa (đặc biệt đối với người mắc các bệnh mạn tính, vừa dùng thuốc điều trị bệnh, vừa dùng thực phẩm bổ sung để hỗ trợ điều trị).
Việc kết hợp thực phẩm bổ sung và thuốc có thể gây ra những tác dụng nguy hiểm, thậm chí đe dọa tính mạng. Ví dụ, thuốc điều trị HIV/AIDS, bệnh tim, trầm cảm, phương pháp điều trị cấy ghép nội tạng và thuốc tránh thai sẽ kém hiệu quả hơn khi dùng chung với St. John’s wort, một loại thảo dược bổ sung. Tùy thuộc vào loại thuốc liên quan, hậu quả có thể từ nhẹ đến nghiêm trọng.
Ngoài ra, warfarin (thuốc làm loãng máu theo toa), ginkgo biloba (thuốc bổ sung thảo dược), aspirin và vitamin E (thuốc bổ sung) đều có thể làm loãng máu. Dùng chung bất kỳ sản phẩm nào trong số này có thể làm tăng nguy cơ chảy máu trong hoặc đột quỵ.
Do đó, đối với những người có bệnh mạn tính cần cẩn trọng khi dùng thêm các sản phẩm bổ sung.
2. Nguồn gốc ‘tự nhiên’ không có nghĩa là an toàn
Một số người dùng có thể tin rằng các sản phẩm có gắn chữ “tự nhiên”, chẳng hạn như thực phẩm bổ sung thảo dược hoặc dầu cá, không thể gây hại… nhưng ‘tự nhiên’ không phải lúc nào cũng an toàn.
Ví dụ: Nhiều sản phẩm giảm cân tuyên bố là “hoàn toàn tự nhiên” hoặc “thảo dược”, nhưng thành phần của chúng có thể tương tác với thuốc hoặc có thể gây nguy hiểm cho những người mắc một số bệnh lý nhất định.
3. Thận trọng với trẻ em, người mang thai và cho con bú
Trẻ em có thể bị tổn hại khi dùng cả thực phẩm bổ sung và thuốc. Quá trình trao đổi chất của trẻ em ở các độ tuổi khác nhau và chuyển hóa các chất với tốc độ khác nhau. Đối với trẻ em, việc sử dụng thực phẩm bổ sung cùng với các loại thuốc khác có thể làm tăng nguy cơ tác dụng phụ.
Đối với người đang mang thai hoặc cho con bú là những đối tượng không được tự ý dùng thuốc, cần trao đổi với bác sĩ trước khi bổ sung bất kỳ chất nào vào chế độ ăn uống.
4. Những cân nhắc trước khi phẫu thuật
Đối với những trường hợp đang lên kế hoạch phẫu thuật, hãy lưu ý rằng một số thực phẩm bổ sung có thể tương tác theo cách có hại với các loại thuốc bạn cần dùng trước, trong hoặc sau phẫu thuật.
Trong những trường hợp cần thiết, bác sĩ yêu cầu bạn ngừng dùng thực phẩm bổ sung hai hoặc ba tuần trước khi thực hiện thủ thuật để tránh những thay đổi nguy hiểm về nhịp tim, huyết áp hoặc nguy cơ chảy máu…
5. Trao đổi với bác sĩ trước khi dùng thực phẩm bổ sung
Để an toàn, trước khi dùng bất kỳ loại thực phẩm bổ sung hoặc thuốc nào (không kê đơn hoặc kê đơn), điều quan trọng là bạn cần thảo luận với chuyên gia chăm sóc sức khỏe.
Khi đi khám bệnh, hãy mang theo danh sách tất cả các loại thuốc và thực phẩm bổ sung mà bạn hiện đang dùng, bao gồm liều lượng và số lần bạn dùng chúng trong ngày… bác sĩ có thể cân nhắc chỉ định thuốc để hạn chế hoặc tránh các bất lợi do tương tác thuốc gây ra.
Ngoài ra, hãy trao đổi với chuyên gia chăm sóc sức khỏe nếu tình trạng sức khỏe của bạn đã thay đổi, đặc biệt nếu đang mang thai, cho con bú hoặc có bất kỳ bệnh hoặc phẫu thuật nào gần đây… để có thể phòng tránh những tương tác bất lợi giữa thực phẩm bổ sung/thuốc với bệnh sẵn có.