Dịch sốt xuất huyết và những lưu ý (Phần 2)

Tiếp theo phần 1…

Các giai đoạn của bệnh sốt xuất huyết

Khi bị sốt xuất huyết, người bệnh trải qua 3 giai đoạn: Giai đoạn sốt, giai đoạn nguy hiểm, giai đoạn khôi phục.

  1. Giai đoạn sốt

Sau khi bị nhiễm vi rút Dengue từ muỗi, người bệnh sẽ ủ bệnh từ 4 – 7 ngày, có khi tới 14 ngày, sau đó mới xuất hiện các biểu hiện sốt. Đây là giai đoạn sốt, bệnh nhân có thể sốt cao liên tục hoặc sốt cao đột ngột từ 39 – 40 độ C, uống thuốc hạ sốt nhưng không giảm sốt.

Ngoài ra, bệnh nhân có thể sẽ có các triệu chứng đi kèm như: Mệt mỏi rũ rượi, đau họng, đau vùng thượng vị và tiêu chảy, đau đầu, nhức hai bên hốc mắt, da xung huyết, chảy máu chân răng hoặc chảy máu mũi, phát ban, chán ăn, buồn nôn, đau nhức các cơ khớp,…

Đối với trẻ em, triệu chứng phổ biến là sốt kèm theo đau họng và đau bụng. Sau 3 ngày trẻ sẽ hạ sốt, đến ngày thứ 8 thường xuất hiện xuất huyết nhẹ như: Chấm xuất huyết dưới da, chảy máu mũi. Sau khi hạ sốt, bé có thể sẽ xuất hiện các nốt ban ở mình, sau đó lan đến mặt, các chi, lòng bàn tay và bàn chân gây ngứa.

ban ca h5

  1. Giai đoạn nguy hiểm

Ở giai đoạn nguy hiểm diễn ra từ ngày 3 – 7 sau khi bị sốt ngày đầu tiên. Người bệnh có thể giảm hoặc còn sốt, lúc đó sẽ xuất hiện một số trường hợp nhiễm trùng thứ phát có biểu hiện hạ tiểu cầu và cô đặc máu. Các biểu hiện xuất huyết có thể xảy ra hoặc không. Người bệnh sốt xuất huyết ở giai đoạn nguy hiểm có thể đối mặt với những triệu chứng nặng như:

– Các triệu chứng của thoát huyết tương do bị tăng tính thấm thành mạch.

– Người bệnh có thể bị tràn dịch phổi và có các triệu chứng như: Đau ngực khi thay đổi tư thế, căng tức nặng ngực và khó thở.

– Triệu chứng nặng khi bị tràn dịch màng bụng như: Chướng bụng, bụng to nhanh.

– Đau tức vùng dưới sườn hoặc vùng thượng vị do gan phình to, vật vã, li bì, lạnh chân tay, da lạnh ẩm toàn thân, tiểu ít.

– Xuất huyết dưới da: Xuất hiện các nốt xuất huyết hoặc các mảng xuất huyết, thường sẽ có ở mặt trước 2 chân, và mặt trong 2 cánh tay, đùi, mạng sườn, bụng.

– Tình trạng nguy hiểm hơn khi xuất huyết nội tạng đường tiêu hóa, xuất huyết ở phổi và não với các triệu chứng như: Nôn ra máu, đi tiểu ra máu, ho ra máu, ra máu bất thường ở âm đạo, rong kinh,…

– Các biến chứng nặng mà người bệnh sốt xuất huyết có thể phải đối mặt ở giai đoạn nguy hiểm như: Viêm gan nặng, viêm cơ tim, viêm não, suy thận.

Những biến chứng nặng có thể xảy ra ở một số người bệnh không có các dấu hiệu thoát huyết tương hoặc không bị sốc. Trong giai đoạn này, người bệnh cần được chăm sóc tốt, quan sát kỹ các triệu chứng của bệnh; nếu có các triệu chứng trở nặng như trên cần đưa đến bệnh viện cấp cứu kịp thời.

ban ca h5

  1. Giai đoạn hồi phục

Sau khi qua giai đoạn nguy hiểm từ 1 – 2 ngày, người bệnh hết sốt, sức khỏe dần hồi phục, huyết áp ổn định, tiểu nhiều hơn và thèm ăn. Các chỉ số xét nghiệm dần trở về mức bình thường.

Ở giai đoạn này, người nhà bệnh nhân cần lưu ý: Chăm sóc người bệnh cẩn thận và đúng cách, không được lơ là các triệu chứng bất thường dù bệnh nhân có biểu hiện hồi phục. Giai đoạn này, nếu không được chăm sóc kỹ người bệnh có thể bị phù phổi hoặc suy tim.

Tác nhân gây bệnh sốt xuất huyết

Tác nhân gây bệnh sốt xuất huyết là do vi rút Dengue lây lan qua người từ  muỗi cái Aedes có mang vi rút gây bệnh. Vi rút Dengue có 4 chủng huyết thanh là DEN-1, DEN-2, DEN-3,DEN-4. Ở Việt Nam có cả 4 chủng huyết thanh này, ví dụ sau khi bị sốt xuất huyết DEN-1 thì vẫn có thể bị sốt xuất huyết DEN-2.

Theo Tổ chức Y tế thế Giới (WHO), nguyên nhân gây lây lan dịch sốt xuất huyết chủ yếu do muỗi cái thuộc chi Aedes, dân gian hay gọi là muỗi vằn. Muỗi cái Aedes aegypti có nguồn gốc từ châu Phi, dần lây lan qua các khu vực khác nhờ tàu thuyền và máy bay. Muỗi cái Aedes aegypti formosus sinh sống chủ yếu ở khu đô thị trong khi loài muỗi cái Aedes albopictus sống chủ yếu ở vùng nông thôn.

ban ca h5

Loài này truyền bệnh qua vết đốt, nước bọt của chúng có chứa vi rút Dengue sẽ vào máu người bệnh gây sốt xuất huyết. Nguy hiểm hơn khi muỗi cái Aedes aegypti mang trong mình ri vút Dengue sẽ có khả năng ủ bệnh trong cơ thể từ 8 – 11 ngày.

Khi vi rút này tấn công vào cơ thể người, chúng sẽ “chu du” trong máu từ 2 đến 7 ngày. Quá trình lây virus từ muỗi qua người rồi từ người bệnh qua muỗi theo một vòng tuần hoàn khiến việc bùng phát dịch sốt xuất huyết trở nên nhanh hơn. Thời điểm muỗi hoạt động đốt hút máu người nhiều nhất là vào buổi sáng sớm hoặc chiều tối.

ban ca h5

Biến chứng sốt xuất huyết

Khi bị sốt xuất huyết thể nặng người bệnh nếu không được chăm sóc kỹ sẽ gây ra các biến chứng ảnh hưởng xấu đến sức khỏe thậm chí tử vong. Các biến chứng do sốt xuất huyết gây ra mà người bệnh có thể đối mặt:

– Sốc do mất máu hoặc bị thoát huyết tương, tình trạng kéo dài có thể gây ra phù não và các hội chứng về thần kinh dẫn đến hôn mê.

– Viêm đường hô hấp, viêm phổi hoặc phù phổi do thoát huyết tương gây ra tình trạng tràn huyết tương đến đường hô hấp.

– Xuất huyết não do mất máu và thoát huyết tương dẫn đến việc tụt huyết áp đột ngột.

– Suy tim, suy thận: Xuất huyết khiến máu chảy liên tục khiến tim không đủ tuần hoàn cộng với việc thoát huyết tương khiến màng tim bị tràn dịch ứ đọng. Đồng thời, thận phải làm việc hết công suất để bài tiết huyết tương, nếu tình trạng này kéo dài có thể dẫn đến suy thận cấp.

– Mù đột ngộ do bị xuất huyết võng mạc khiến thị lực giảm hoặc gây xuất huyết trong dịch kính mắt khiến người bệnh gần như mù mắt.

– Biến chứng ở phụ nữ mang thai: Với phụ nữ mang thai khi bị sốt xuất huyết có thể sốt cao, tim thai đập nhanh. Nếu người bệnh chuyển biến bệnh nặng có nguy cơ giảm tiểu cầu dẫn đến xuất huyết. Nếu như bị sốt xuất huyết trong những tháng đầu thai kỳ sẽ có nguy cơ đe dọa thai nhi.

Còn tiếp…

(Tổng hợp Phương Anh CLB Truyền thông)