Ngày 22/11/2015, trong khuôn khổ Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 27 các nhà lãnh đạo ASEAN đã ký Tuyên bố Kuala Lumpur 2015 về “Thành lập Cộng đồng ASEAN” vào 31/12/2015.
Sự kiện này chính thức công bố với thế giới về sự hình thành Cộng đồng ASEAN 2015, thành tựu to lớn của quá trình liên kết và hội nhập ASEAN trong suốt gần nửa thế kỷ qua.
Với việc hình thành Cộng đồng ASEAN, giáo dục nghề nghiệp cũng như nhiều lĩnh vực khác ở Việt Nam sẽ có nhiều cơ hội thuận lợi hơn để phát triển nhưng đồng thời cũng phải đương đầu với nhiều khó khăn thách thức do quá trình hội nhập với các nước trong khu vực mang lại. Do vậy, để phát triển cần phải có những giải pháp để tận dụng cơ hội, vượt qua thách thức, đưa giáo dục nghề nghiệp Việt Nam hội nhập được với các nước trong khu vực.
- Cộng đồng ASEAN – Cơ hội để phát triển giáo dục nghề nghiệp
Mục tiêu tổng quát của Cộng đồng ASEAN là xây dựng Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á thành một tổ chức hợp tác liên Chính phủ liên kết sâu rộng hơn và ràng buộc hơn trên cơ sở pháp lý là Hiến chương ASEAN. Cộng đồng ASEAN sẽ được hình thành dựa trên 3 trụ cột là Cộng đồng Chính trị – An ninh (APSC), Cộng đồng Kinh tế (AEC) và Cộng đồng Văn hóa – Xã hội (ASCC).
Cộng đồng AEC bao gồm 10 quốc gia với dân số hơn 620 triệu người, trong đó 300 triệu người tham gia lực lượng lao động. Ba quốc gia có số lao động chiếm tỷ trọng hơn 70% là Indonesia (40%), Philippines (16%) và Việt Nam (15%). Theo dự báo của Tổ chức Lao động quốc tế (ILO), khi tham gia Cộng đồng ASEAN, số việc làm của Việt Nam sẽ tăng lên 14,5% vào năm 2025.
Cộng đồng AEC nhằm mục tiêu tạo ra một thị trường chung duy nhất và cơ sở sản xuất thống nhất, trong đó có sự lưu chuyển tự do của hàng hóa, dịch vụ, đầu tư, vốn và lao động qua đào tạo, từ đó nâng cao tính cạnh tranh và thúc đẩy sự thịnh vượng chung cho cả khu vực; tạo sự hấp dẫn với đầu tư, kinh doanh từ bên ngoài. Việc lao động qua đào tạo được di chuyển tự do sẽ thông qua các thỏa thuận công nhận lẫn nhau (Mutual Recognition Arrangements – MRAs). Đến nay, ASEAN đã có thỏa thuận trong 8 lĩnh vực ngành nghề (tức là có 8 ngành nghề được tự do di chuyển) gồm: Dịch vụ kỹ thuật, điều dưỡng, kiến trúc, khảo sát, y khoa, nha khoa, kế toán và du lịch. Cũng theo các thỏa thuận, nhân lực chất lượng cao (các chuyên gia, thợ lành nghề), trong đó có được đào tạo chuyên môn hoặc có trình độ từ đại học trở lên, thông thạo ngoại ngữ, đặc biệt là tiếng Anh, được di chuyển tự do hơn.
Như vậy, với việc hình thành Cộng đồng ASEAN sẽ có rất nhiều cơ hội để giáo dục nghề nghiệp Việt Nam phát triển.
Người học có nhiều cơ hội hơn hơn trong học tập, tiếp cận với các chương trình đào tạo tiên tiến của nước ngoài và dễ dàng hơn trong việc tìm kiếm việc làm sau quá trình học tập, bởi thị trường lao động không chỉ là thị trường trong nước mà còn cả thị trường của rộng lớn trong khu vực ASEAN. Kèm theo đó, văn bằng, chứng chỉ sau quá trình đào tạo của người học cũng được công nhận ở các nước trong khu vực, tạo điều kiện để dễ dàng được công nhận bởi các nước khác trên thế giới.
Ngoài ra, Cộng đồng ASEAN sẽ tạo ra nhiều cơ hội trong việc hợp tác lẫn nhau giữa các cơ sở giáo dục nghề nghiệp; cơ hội học tập, bồi dưỡng, trao đổi nâng cao trình độ cho đội ngũ nhà giáo và cán bộ quản lý giáo dục nghề nghiệp; sẽ có thêm nhiều nguồn lực đầu tư nước ngoài vào lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp.v.v…
Tuy nhiên, cơ hội sẽ chỉ là lý thuyết nếu không biết tận dụng, nắm bắt cơ hội, biến cơ hội thành thực tiễn. Cơ hội là vấn đề mang tính khách quan, không phụ thuộc vào ý muốn chủ quan của con người. Vì vậy, việc biến cơ hội thành thực tiễn không phải muốn là được. Điều quan trọng để nắm bắt cơ hội là phải biết được thách thức, vượt qua được thách thức
- Những hạn chế của nhân lực lao động Việt Nam – Thách thức đối với giáo dục nghề nghiệp
Là nước đứng thứ ba trong Cộng đồng ASEAN về tỷ lệ lực lượng lao động, một yếu tố quan trọng trong quá trình cạnh tranh, nhưng lực lượng lao động Việt Nam còn rất nhiều hạn chế.
Theo số liệu của Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội và Tổng cục Thống kê, quy mô lực lượng lao động Quý II năm 2015 đạt 53,71 triệu người, trong đó lực lượng lao động đã qua đào tạo có văn bằng, chứng chỉ chỉ chiếm 20,6%. Nếu tính theo cách tính của Bộ Lao động- Thương binh và Xã hội, lao động qua đào tạo nghề gồm cả dạy nghề chính quy, dạy nghề thường xuyên, được tổ chức tại các cơ sở dạy nghề, cơ sở giáo dục có tham gia dạy nghề, tại các doanh nghiệp, làng nghề và dạy nghề của các tổ chức, cá nhân khác đạt 38,5%.
Theo đánh giá của Ngân hàng Thế giới (WB), Việt nam đang rất thiếu lao động có trình độ tay nghề, công nhân kỹ thuật bậc cao. Phần lớn người sử dụng lao động nói rằng tuyển dụng lao động là công việc khó khăn vì các ứng viên không có kỹ năng phù hợp, hoặc vì sự khan hiếm người lao động trong một số ngành nghề cụ thể. Về chất lượng nguồn nhân lực, nếu lấy thang điểm 10 thì Việt Nam chỉ đạt 3,79 điểm; xếp thứ 11/12 nước châu Á tham gia xếp hạng của WB. Trong khi đó, Hàn Quốc đạt 6,91; Ấn Độ, Malaysia và Thái Lan lần lượt đạt 5,76; 5,59 và 4,94…
Kết quả khảo sát các chủ sử dụng lao động tại 10 quốc gia ASEAN do Tổ chức Lao động quốc tế (ILO) thực hiện cũng cho thấy, doanh nghiệp trong khối ASEAN hiện đang rất lo ngại về tình hình thiếu hụt lực lượng lao động có tay nghề và kỹ năng trước sự ra đời của Cộng đồng Kinh tế ASEAN vào năm 2015; gần 50% chủ sử dụng lao động trong khối ASEAN trong cuộc khảo sát cho biết, người lao động tốt nghiệp phổ thông không có được kỹ năng họ cần; cử nhân tốt nghiệp đại học có được những kỹ năng có ích nhưng cũng chưa đáp ứng được nhu cầu của doanh nghiệp (cả về số lượng và chất lượng). Cũng theo dự báo của ILO, do trình độ phát triển không đồng đều, nên hiện nay, lao động có tay nghề và kỹ năng cao trong khối ASEAN chủ yếu di chuyển vào thị trường Singapore, Malaysia và Thái Lan. Còn lại, hầu hết các lao động di chuyển trong phạm vi ASEAN là lao động trình độ kỹ năng thấp hoặc không có kỹ năng.
Bên cạnh chất lượng lao động, cơ cấu nhân lực lao động của Việt Nam cũng nhiều bất cập lớn và có nguy cơ ngày càng gia tăng bất cập. Tính đến Quý II/2015, cơ cấu trình độ của nhân lực lao động Việt Nam là: 01 đại học trở lên – 0,35 cao đẳng – 0,65 Trung cấp – 0,4 sơ cấp (Hình 1). Trong khi đó, theo quy luật những người lao động trực tiếp (trình độ TC, SC) phải nhiều hơn rất nhiều lần so với lao động gián tiếp (ĐH).
Vì tỷ lệ lao động qua đào tạo thấp nên đó là một trong những lý do dẫn đến năng suất lao động thấp. Theo đánh giá của ILO công bố trong năm 2014, năng suất của lao động Việt Nam thuộc nhóm thấp ở Châu Á – Thái Bình Dương và ở ASEAN: Chỉ bằng 1/15 so với Singapore; bằng 1/5 Malaysia và 2/5 Thái Lan, chưa kể so sánh với năng xuất lao động của Nhật Bản, Hàn Quốc, Australia, Ấn Độ, Newzealand… là những đối tác đã có các hiệp định quan trọng với ASEAN.
Ngoài ra, sự chuẩn bị kiến thức, kỹ năng và thái độ cũng như trạng thái tâm lý để sẵn sàng di chuyển sang làm việc tại các nước ASEAN chưa cao. Theo các chuyên gia Ngân hàng Thế giới (WB), sự chuẩn bị kiến thức, kỹ năng; thái độ và tâm lý để sẵn sàng di chuyển sang làm việc tại các nước ASEAN của lao động Việt Nam là chưa cao. Chỉ xét về đào tạo ngoại ngữ ở Việt Nam, kể các thành phố lớn, rất ít lao động Việt Nam học ngôn ngữ của các nước ASEAN như Thái Lan, Lào, Campuchia… Về khả năng sử dụng tiếng Anh, thí sinh Việt Nam có điểm trung bình 5,78 (theo thang điểm từ 0 – 9), thuộc nhóm trung bình thấp; đứng sau Malaysia (6,64), Philippines (6,53), Indonesia (5,97).
Những hạn chế, những yếu kém của nguồn nhân lực là một trong những nhân tố chủ yếu ảnh hưởng đến năng lực cạnh tranh của nền kinh tế. Theo Diễn đàn kinh tế thế giới (WEF), năm 2015 Việt Nam xếp thứ 56/144 quốc gia và vùng lãnh thổ tham gia xếp hạng, so với năm 2014 đă tăng 12 bậc nhưng vẫn thấp sau Thái Lan, Philipine, Indonexia, Malaixia). Theo đánh giá, đào tạo và giáo dục đại học vẫn là những yếu tố yếu kém nhiều năm của Việt Nam (Hình 2)
Có thể nói, những hạn chế của nhân lực lao động Việt Nam nêu trên đang trở thành gánh nặng, những thách thức đối với giáo dục nghề nghiệp, bởi chức năng, nhiệm vụ của giáo dục nghề nghiệp chính là đào tạo nhân lực lao động cho quốc gia. Cũng chính vì thế, đòi hỏi giáo dục nghề nghiệp phải nỗ lực, có những giải pháp, hướng đi phù hợp cho giai đoạn tới để hội nhập sâu rộng vào Cộng đồng ASEAN.
- Giải pháp hội nhập giáo dục nghề nghiệp
Để giải quyết những hạn chế về nhân lực lao động đáp ứng yêu cầu hội nhập, thực hiện Quyết định số 2448/QĐ-TTg ngày 16 tháng 12 năm 2013 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Đề án Hội nhập quốc tế về giáo dục và dạy nghề đến năm 2020, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội đang chuẩn bị xây dựng Kế hoạch thực hiện Đề án với một số nhiệm vụ, giải pháp như sau:
Thứ nhất, Xây dựng thể chế, cơ chế, chính sách phát triển giáo dục nghề nghiệp phù hợp với xu thế hội nhập
– Ký kết các hiệp định công nhận văn bằng, chuyển đổi tín chỉ và kỹ năng nghề giữa Việt Nam với các quốc gia trong khu vực ASEAN;
– Xây dựng cơ chế, chính sách nhằm khuyến khích thu hút đầu tư; mở rộng quyền tự chủ của các cơ sở dạy nghề; ây dựng cơ chế, chính sách nhằm đẩy mạnh xã hội hóa các hoạt động dạy nghề đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế; khuyến khích các doanh nghiệp, các tổ chức trong và ngoài nước tham gia đào tạo, bồi dưỡng nhân lực đạt tiêu chuẩn quốc tế;
– Đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính trong lĩnh vực dạy nghề, tạo môi trường thuận lợi để các nhà đầu tư trong nước, nước ngoài tham gia đào tạo nghề.
Thứ hai, hoàn thiện quy hoạch mạng lưới cơ sở giáo dục nghề nghiệp để hội nhập quốc tế
Tái cấu trúc lại mạng lưới cơ sở dạy nghề; rà soát, đánh giá lại tiến độ hội nhập của 45 trường đã được định hướng tập trung đầu tư thành trường chất lượng cao và các trường được quy hoạch các nghề trọng điểm cấp độ ASEAN, quốc tế; rà soát các nghề cấp độ ASEAN và quốc tế đã được quy hoạch trong các trường trung cấp và cao đẳng.
Thứ ba, triển khai áp dụng Khung trình độ quốc gia
– Triển khai áp dụng khung trình độ quốc gia theo Khung tham chiếu ASEAN đã được phê duyệt; xây dựng các chuẩn đầu ra theo Khung trình độ quốc gia có tham chiếu các tiêu chuẩn năng lực của các nước trong khu vực và quốc tế. Thúc đẩy sự hình thành và phát triển của hệ thống chuyển đổi tín chỉ, thực hiện công nhận văn bằng và chuyển đổi tín chỉ giữa các nước trong khu vực ASEAN và thế giới;
– Xây dựng tiêu chuẩn kỹ năng nghề quốc gia và được các quốc gia trong khu vực công nhận; thực hiện đánh giá kỹ năng và công nhận kỹ năng nghề giữa Việt Nam với các nước trong khu vực ASEAN.
Thứ tư, nâng cao chất lượng dạy nghề, tiếp cận các chuẩn khu vực và thế giới
– Đổi mới chương trình đào tạo tiếp cận trình độ tiên tiến của các nước phát triển trong khu vực và trên thế giới; nâng cao năng lực đội ngũ nhà giáo, nhất là năng lực chuyên môn, sư phạm và ngoại ngữ theo chuẩn quốc tế;
– Tăng cường đào tạo tiếng Anh trong các cơ sở dạy nghề bảo đảm cho người học nghề có khả năng giao tiếp trong quá trình làm việc; sinh viên tốt nghiệp chương trình chất lượng cao có khả năng làm việc tại các nước trong khu vực ASEAN và thế giới; xây dựng các chương trình đào tạo tiếng Anh chuyên ngành và một số ngoại ngữ của các dân tộc khác trong khu vực ASEAN; ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý và hoạt động đào tạo nghề;
– Tăng cường kiểm định chất lượng dạy nghề theo chuẩn khu vực và quốc tế, khuyến khích các cơ sở dạy nghề thực hiện kiểm định trường và chương trình bởi tổ chức kiểm định quốc tế có uy tín;
– Xây dựng kế hoạch tổ chức thực hiện đào tạo các lĩnh vực trong 8 lĩnh vực nghề nghiệp đã được ASEAN thỏa thuận công nhận (Nha khoa, Điều dưỡng, Kỹ thuật, Xây dựng, Kế toán và Du lịch);
– Triển khai và ký kết các chương trình hợp tác với các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài (FDI) đang hoạt động tại Việt Nam trong việc hỗ trợ các cơ sở dạy nghề và học sinh, sinh viên nâng cao kỹ năng nghề nghiệp; tổ chức các hội nghị tham vấn với doanh nghiệp FDI về nhu cầu sử dụng lao động có kỹ năng nghề cao;
– Lựa chọn một số nghề và một số đối tác để đàm phán, triển khai các hoạt động đánh giá và công nhận chứng chỉ kỹ năng nghề (trước mắt thực hiện trong lĩnh vực Du lịch, sau đó tiếp đến các nghề Công nghệ ô tô, Hàn, Công nghệ thông tin, Xây dựng.v.v…);
– Tích cực tham gia các hoạt động thi tay nghề ASEAN và thế giới;
– Thí điểm và nhân rộng các chương trình chuyển giao theo chuẩn quốc tế;
+ Kiểm định, công nhận các điều kiện đảm bảo chất lượng đào tạo theo chuẩn của các nước chuyển giao (chuẩn chương trình, chuẩn giáo viên, chuẩn cơ sở vật chất, thiết bị; chuẩn tiếng Anh của cả giáo viên và học sinh);
+ Chuyển giao công nghệ đào tạo; tổ chức đào tạo thí điểm theo chương trình chuyển giao;
+ Đánh giá và cấp văn bằng chứng chỉ của nước chuyển giao (sinh viên được cấp 2 văn bằng: Văn bằng Việt Nam và của nước chuyển giao);
+ Thực hiện nhân rộng các bộ chương trình chuyển giao từ sau 2018 trong các trường chất lượng cao.
Thứ năm, tăng cường nguồn lực đầu tư trong và ngoài nước cho dạy nghề
– Huy động nguồn lực tài chính để bảo đảm đáp ứng yêu cầu hội nhập quốc tế về dạy nghề. Ngân sách nhà nước kết hợp với huy động các nguồn vốn khác để xây dựng và cung cấp trang thiết bị cho các trường nghề đạt cấp độ quốc tế; bảo đảm kinh phí để thực hiện chuyển giao các chương trình theo cấp độ khu vực, quốc tế; đào tạo, bồi dưỡng giáo viên, cán bộ quản lý ở nước ngoài thông qua Đề án 371 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt (Quyết định số 371/QĐ-TTg ngày 28 tháng 02 năm 2013 và Quyết định số 1820/QĐ-TTg)
– Huy động nguồn lực tài chính từ các nước và các tổ chức quốc tế nhằm góp phần thực hiện nhiệm vụ đào tạo, bồi dưỡng, nâng cao trình độ nguồn nhân lực, bổ sung trang thiết bị cho các cơ sở dạy nghề, thực hiện trao đổi giáo viên và học sinh, sinh viên Việt Nam với các nước; huy động từ các tổ chức, cá nhân trong và ngoài nước cho các hoạt động đào tạo lao động trình độ cao.
– Nguồn lực tài chính để thực hiện Kế hoạch bao gồm từ chương trình mục tiêu, các nguồn vốn ODA và các nguồn lực khác.
Như vậy, có thể thấy Cộng đồng ASEAN vừa là cơ hội, vừa là thách thức với tất cả các quốc gia thành viên. Giáo dục nghề nghiệp như mọi lĩnh vực khác của Việt Nam không nằm ngoài những ảnh hưởng đó. Với vai trò quan trọng trong đào tạo nhân lực lao động cho sự phát triển kinh tế đất nước, với những giải pháp nêu trên trong thời gian tới giáo dục nghề nghiệp chắc chắn sẽ nắm bắt được cơ hội, vượt qua thách thức, hội nhập tốt vào Cộng đồng ASEAN, góp phần đưa Việt Nam trở thành nước có thế mạnh về nhân lực trong khu vực ASEAN./.
Tài liệu tham khảo
- Asean (2015), ASEAN Economic Community, Website:
- Asean (2015), Asean Framework Agreement on mutual recognition arrangements, Website:
- ADB, ILO (2014), ASEAN Community 2015: Managing intergration for better jobs and shared prospesrity;
- Bộ LĐTB&XH, Tổng cục Thống kê (2015), Bản tin cập nhật thị trường lao động Việt Nam, số 6, Quý II, 2015;
- Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội (2015), Dự thảo Kế hoạch thực hiện Đề án Đề án Hội nhập quốc tế về giáo dục và dạy nghề đến năm 2020;
- The World Bank (2014), Vietnam Development 2014,Website: ;
- WEF (2015), The Global Competitiveness Report 2015 – 2016, Website:
- Quyết định số 2448/QĐ-TTg ngày 16 tháng 12 năm 2013 của Thủ tướng Chính phủ về phê duyệt Đề án Hội nhập quốc tế về giáo dục và dạy nghề đến năm 2020;
- Quốc hội (2014), Luật Giáo dục nghề nghiệp, Nhà xuất bản Sự thật, Hà Nội
TS.Vũ Xuân Hùng- Viện trưởng Viện Nghiên cứu Khoa học Dạy nghề
Bài đã được đăng trên tạp chí Nghề nghiệp & cuộc sống số 75, tháng 01/2016