[Hướng dẫn] Sơ cứu cơn co giật

Cơn co giật có thể do nhiều nguyên nhân như: chấn thương sọ não, đột quỵ, nhiễm trùng não, ung thư não, dùng ma túy… nhưng hai nguyên nhân thường gặp nhất là động kinh và sốt cao (hay gặp ở trẻ em). Đây là một tình huống hay gặp và thường không quá nguy hiểm đến tính mạng và sức khỏe, chính vì vậy khi gặp một người bị co giật chúng ta cần bình tĩnh và không nên quá lo lắng.

ban ca h5
Động kinh (Epilepsy) là một trong những nguyên nhân hay gặp nhất của cơn co giật

Những trường hợp nhẹ, cơn co giật chỉ kéo dài từ 30 giây đến 2 phút rồi tự hết, thường không cần can thiệp y tế và gọi cấp cứu. Chỉ cần gọi cấp cứu trong những trường hợp sau:
– Bệnh nhân bị co giật lần đầu tiên, chưa bao giờ bị như vậy từ trước
– Sau cơn co giật, bệnh nhân bị khó thở hoặc không tỉnh táo, lú lẫn…
– Cơn co giật kéo dài trên 5 phút
– Nạn nhân bị chấn thương do cơn co giật như ngã, va đập vào vật cứng gây tổn thương khác như: gãy xương, chảy máu…
– Nạn nhân bị cơn co giật khi đang ở dưới nước như: bể bơi, hồ, sông…
– Nạn nhân bị các bệnh lý khác kèm theo như: bệnh tim mạch, đái tháo đường, có thai…

ban ca h5
Cho nạn nhân nằm nghiêng, nới lỏng quần áo, đặt gối mềm dưới đầu,  di chuyển các đồ vật nguy hiểm ra xa nạn nhân

Hướng dẫn sơ cứu:
– Bình tĩnh, đặt nạn nhân nằm nghiêng để bảo vệ đường thở
– Di chuyển các đồ vật xung quanh ra xa nạn nhân để tránh va đập gây chấn thương
– Nới lỏng quần áo, thắt lưng, cà vạt… tháo bỏ kính mắt (nếu có)
– Đặt gối hoặc bất cứ thứ gì mềm dưới đầu nạn nhân, để tránh chấn thương vùng đầu

Một số lưu ý:
– Tuyệt đối không được giữ chặt, trói nạn nhân
– Tuyệt đối không được nhét bất cứ thứ gì vào miệng nạn nhân. Trước đây đúng là có hướng dẫn nhét gì đó vào miệng nạn nhân để tránh cắn lưỡi. Nhưng việc đó cực kỳ nguy hiểm vì có thể gây chặn đường thở gây tử vong hoặc có thể gây gãy răng do nạn nhân cắn mạnh. Điều trị gãy răng tốn kém và khó khăn hơn rách lưỡi rất nhiều lần.
– Không cho nạn nhân ăn uống gì cho đến khi nạn nhân tỉnh táo hoàn toàn.

Tham khảo