10 lời khuyên hữu ích được đưa ra sẽ giúp nâng cao chất lượng và tạo thêm động lực cho người học trực tuyến.
Học trực tuyến (hay còn gọi là eLearning) là một phương thức học tập khá phổ biến trong thời đại kỷ nguyên số bởi chính sự tiện lợi mà phương pháp này mang đến cho người sử dụng. Tuy nhiên, học trực tuyến đòi hỏi nhiều kỹ năng khác nhau như kỹ năng quản lý thời gian, tinh thần tự giác và động lực học tập bền vững. Đây được xem là thách thức đối với người học trực tuyến để có thể hoàn thành trọn vẹn các khóa học “ảo”.
Vậy, làm thế nào để chất lượng học trực tuyến không kém cạnh cách học truyền thống tại trường học thông thường? Dưới đây sẽ là 10 lời khuyên hữu ích.
1. Hiểu đúng về cách thức học trực tuyến
Điều đầu tiên người học cần nhận thức rằng những khóa học qua mạng không phải là một hình thức học tập dễ dàng. Để học hiệu quả, người học cần dành một lượng lớn thời gian, liên tục tham gia buổi học, giữ tập trung trong quá trình học và tự “ép” bản thân theo sát lịch học.
Khi tham gia khóa học trực tuyến, người học nên chú ý những điều sau:
– Tham gia trọn vẹn và hoàn tất khóa học đã đăng ký
– Sẵn sàng trở nên “nhạy” công nghệ
– Tương tác có hiệu quả với mọi người xung quanh
– Hoàn thành bài tập trực tuyến đúng hạn
– Tính tự giác cao
2. Đảm bảo đường truyền mạng tốt
Công nghệ thường dễ xảy ra sự cố. Để giảm thiểu rủi ro, hãy chắc chắn tài liệu đã được lưu liên tục và sao lưu thường xuyên nhờ vào việc sử dụng kho dự trữ đám mây, điển hình như Dropbox, Google Tài liệu để có thể tiếp tục truy cập vào phần dữ liệu đang tạm dừng. Đường truyền mạng đáng tin cậy sẽ cho phép người dùng dễ dàng xử lý với những thay đổi đột ngột, ít ảnh hưởng đến việc học trực tuyến.
3. Có không gian học tập riêng
Là nơi yên tĩnh, ngăn nắp, không dễ dàng bị tác động bởi yếu tố bên ngoài và có thể sử dụng bất kể lúc nào là những tiêu chí đáp ứng không gian phù hợp để học tập. Môi trường học tập càng nên trở thành mối quan tâm hàng đầu khi học trực tuyến nên hãy đảm bảo rằng điều đó có khả năng trở thành thói quen trong học tập. Hơn nữa, trao đổi thẳng thắn với bạn bè, người thân quen, đồng nghiệp tôn trọng khoảng thời gian lên dây cót làm việc và tắt điện thoại, thoát ra tất cả mạng xã hội trong lúc học nhằm hạn chế tối đa bị làm phiền, mất tập trung.
4. Xác định môn học và mục tiêu
Để tiếp tục khóa học trên mạng, hãy luôn giữ vững suy nghĩ về những gì mong muốn có được sau khi hoàn thành. Trong đó, các môn học và mục tiêu của khóa học trực tuyến có thể sẽ là một bản đồ chỉ đường tốt nhất trong quá trình học.
Các bước giúp tập trung vào mục tiêu gồm có: đọc kỹ lưỡng những yêu cầu cần thiết của khóa học, tạo ghi chú có liên quan đến môn học, chắc chắn sẽ xem lại các ghi chú đó một cách kỹ lưỡng mỗi khi chuẩn bị làm bài. Cuối cùng, bắt đầu thử sức với một số bài khó vì đây là cách giúp trau dồi tính hiệu quả trong cả học tập lẫn thực hành.
5. Xây dựng kế hoạch học tập
Không nên trì hoãn, đợi chờ đến sát ngày nộp bài mới bắt đầu bắt tay vào làm. Điều này sẽ gây áp lực lên người học và chính nó ngăn cản việc hoàn thành bài vở học trực tuyến một cách hiệu quả.
Kế hoạch học tập có thể tham khảo vài bước sau:
– Lên kế hoạch ngay từ đầu
– Tạo hệ thống lịch học hiệu quả
– Tạo danh sách những việc cần hoàn thành, gọi là to-do lists
– Sắp đặt giới hạn về thời gian
– Hoàn thành theo đúng lịch học
6. Lên tiếng khi cần giúp đỡ
Khi học khóa học trực tuyến, hiển nhiên việc tìm đáp án cho các câu hỏi là hoàn toàn độc lập, do mỗi cá nhân có ý thức xây dựng. Tuy nhiên, không nên e ngại xin liên lạc với người hướng dẫn giảng dạy nếu gặp khó khăn trong tìm ra lời giải đáp cho bài học. Nếu không chủ động nhận sự trợ giúp cần thiết, có thể người học sẽ bị kéo lại phía sau. Đối với giảng viên hướng dẫn, họ sẽ không bao giờ tìm ra được lỗ hổng trong giáo trình giảng dạy.
7. Xem lại, ôn lại, lặp lại
Thường xuyên ôn tập tất cả các kiến thức đã được học không chỉ giúp cải thiện trí nhớ mà còn hiểu hơn về bài học. Hơn nữa, việc có một hoặc nhiều bạn học, hoạt động theo nhóm sẽ cho người học đa dạng góc nhìn về những chủ đề khó và có thêm động lực đạt được kết quả cao hơn. Họ cũng có thể giúp ích trong rút ngắn thời gian hoàn thành bài tập bằng cách cùng nhau xem lại bài. Hãy chia sẻ những gì đã ghi chú về bài học và thói quen với các bạn học khác trên mạng, hỗ trợ lẫn nhau trong suốt quá trình diễn ra việc học trực tuyến.
8. Nghỉ giải lao sau giờ học
Hợp nhất một khoảng thời gian cá nhân đi vào thói quen học tập sẽ giúp người học có thể hoạt động hiệu quả hơn với những mục tiêu khóa học trực tuyến. Trong lúc giải lao, hãy hoàn toàn thoát khỏi không gian học tập, người học cần có những sự thay đổi về nhiều quang cảnh khác nhau. Một hoạt động thể chất nhẹ nhàng như đi bộ dọc vỉa hè cũng phần nào duy trì sự cân bằng, tái tạo năng lượng và trở lại học tập với đầu óc minh mẫn hơn.
9. Tham gia thảo luận trực tuyến
Học trực tuyến không nhất thiết rập khuôn một ý nghĩa là học riêng biệt. Kết nối với những người bạn khác từ các nền tảng mạng xã hội hoặc diễn đàn của khóa học trực tuyến sẽ tăng thêm nhiều trải nghiệm. Đảm bảo rằng tông giọng khi trao đổi online ở mức đủ nghe; biết tôn trọng khi gặp phải ý kiến trái chiều với các thành viên khác trong nhóm học, viết câu từ đầy đủ và diễn đạt trọn vẹn ý nhằm tránh gây nên hiểu lầm không đáng có.
10. Tạo động lực
Không bao giờ tự đánh giá thấp những nỗ lực cần thiết để hoàn tất khóa học trực tuyến, bằng cách:
– Tự do sáng tạo thói quen học tập trong không gian thoải mái
– Trang trí góc học tập với những câu trích dẫn truyền cảm hứng và hình ảnh
– Không quên lý do vì sao thực hiện lớp học trực tuyến
– Chấp nhận rằng sẽ có ngày hoạt động tích cực và có ngày chán nản
– Nên chuẩn bị thêm món ăn vặt có lợi cho sức khỏe để đẩy năng lượng khi cần
– Tự thưởng mỗi khi hoàn thành một bài tập đầy thách thức
– Đảm bảo có thời gian riêng cho bản thân
– Tích cực và luôn giữ vững tính lạc quan
Nguồn tham khảo: eLearning Industry