Cách đây 67 năm (27/2/1955 – 27/2/2022), Chủ tịch Hồ Chí Minh đã viết thư gửi hội nghị ngành Y tế kèm những lời căn dặn những người thầy thuốc.
Trong thư Bác có nhắc, phải thật thà đoàn kết, đoàn kết thì vượt được mọi khó khăn, giành được nhiều thành tích.
Cùng với đó, người bác sĩ phải thương yêu người bệnh, Bác Hồ dặn: “Người bệnh phó thác tính mạng của họ nơi các cô các chú. Chính phủ phó thác cho các cô các chú việc chữa bệnh tật và giữ gìn sức khoẻ cho đồng bào. Đó là nhiệm vụ rất vẻ vang.
Vì vậy , cán bộ cần phải thương yêu, săn sóc người bệnh như anh em ruột thịt của mình, coi họ đau đớn cũng như mình đau đớn. “Lương y phải như từ mẫu”, câu nói ấy rất đúng”.
Ngày Thầy thuốc Việt Nam năm 2022 là năm kỷ niệm đầy đặc biệt với đội ngũ ngành y tế khi chúng ta vẫn đang phải chiến đấu với đại dịch Covid-19. Đã có nhiều y bác sĩ bị nhiễm bệnh trong quá trình điều trị cho bệnh nhân, thậm chí là hy sinh cả tính mạng trước “cuộc chiến trong thời bình”.
Dưới góc nhìn tích cực, Covid -19 đã giúp phản ánh được những hạn chế mà chúng ta cần nhìn nhận, xem xét, đánh giá đúng chất lượng của ngành y.
Nhân dịp này, Người Đưa Tin đã có buổi trò chuyện với Thiếu tướng, GSTS.NGƯT.BS Lê Trung Hải, Chủ tịch Hội Gan mật Việt Nam, Hiệu trưởng trường Cao đẳng Y dược Hà Nội – người chiến sĩ cụ Hồ, vị bác sĩ quân y trên chiến trường năm xưa.
Người Đưa tin (NĐT): Thưa ông, là người đã công tác nhiều năm trong ngành y, ông đánh giá thế nào về ngành y tế nước nhà trong 2 năm đại dịch vừa qua ?
Ông Lê Trung Hải: Chúng ta phải ghi nhận thời gian qua, Y học Việt Nam có nhiều thành tựu và kỳ tích trong vấn đề chăm sóc, cứu chữa nhân dân như thành công lớn trong các ca ghép nội tạng, xử dụng kỹ thuật ít xâm lấn. Việt Nam đã có những hoạt động chuyên ngành, ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật mới.
Tuy nhiên, khi đại dịch xuất hiện, đây là loại bệnh mới đối với cả thế giới, có diễn biến phức tạp. Trước nguy cơ đó, toàn bô lực lượng ngành y, các trang thiết bị y tế phải chủ tập trung ứng phó.
Thời điểm đó, chúng ta gặp hạn chế về tiêm chủng vắc-xin, chưa kiểm soát hiệu quả dịch bệnh dẫn đến quá tải hệ thống y tế. Đội ngũ y tế gặp nhiều khó khăn khi khám và điều trị bệnh.
Nhưng trong nguy cơ vẫn có cơ hội, đây cũng là khoảng thời gian Việt Nam đã vận dụng nhanh chóng các hình thức khám chữa bệnh từ xa, hội chẩn trực tuyến, học hỏi kinh nghiệm của các địa phương.
Trong giai đoạn bình thường mới, theo tôi vẫn cần phải tiếp tục vận dụng các hình thức này. Đẩy mạnh công tác đào tạo trong ngành để khắc phục những hạn chế vừa qua.
NĐT: Trong thời gian tới, chúng ta cần chú trọng gì trong vấn đề đào tạo, xây dựng đội ngũ y tế cơ sở nhằm hạn chế việc quá tải ở tuyến dưới như hiện nay ?
Ông Lê Trung Hải: Thực tế hiện nay, vấn đề quá tải không chỉ diễn ra ở tuyến cơ sở, đặt trong hoàn cảnh dịch bệnh, theo từng diễn biến chúng ta gặp những khó khăn khác nhau.
Trong giai đoạn tỉ lệ tiêm vắc-xin chưa cao, ca tăng mạnh ở Tp.Hồ Chí Minh, khiến áp lực đè nặng lên các bác sĩ gây mê, hồi sức.
Nhưng khi các bệnh nhân F0 được chăm sóc, điều trị tại nhà, lúc này gây quá tải lên tuyến y tế cơ sở.
Nước ta là nước có truyền thống về y học cổ truyền, nhưng từ trước tới nay vẫn tập trung cho các lĩnh vực chuyên sâu, mũi nhọn ở các tuyến TW. Người dân có thói quen lên tuyến đầu để khám chữa bệnh.
Điều này khiến cho ở các địa phương không có nhiều các bác sĩ có tay nghề, không có nhiều cơ hội để khám chữa bệnh, nâng cao trình độ chuyên môn. Thực tế cho thấy, đối với tuyến cơ sở gặp khó khăn ngay từ khi chưa xuất hiện.
Trong thời chống dịch chúng ta tập trung vào ở tuyến TW và cơ sở nhưng khi bình thường mới cần phải có đầu tư chung và đầu tư mũi nhọn.
NĐT: Ngành y là ngành có nhiều áp lực, nhưng thu nhập hiện nay của các bác sĩ vẫn còn chưa tương xứng, thời gian tới chúng ta nên có những cải thiện chính sách gì ?
Ông Lê Trung Hải: Thầy thuốc là ngành nghề đặc thù, áp lực lớn. Các bác sĩ, điều dưỡng đều được tuyển chọn kỹ lưỡng ngay từ khi vào học, đa phần các em sinh viên theo học ngành này đều là những em có học lực giỏi, đào tạo dài hạn. Tuy nhiên, khi ra trường vẫn cần thời gian dài học việc, với mức lương thấp.
Ngay cả khi đã trở thành bác sĩ ở các bệnh viện thì lương và trợ cấp cũng ở mức chưa tương xứng, phù hợp.
Điều này bắt nguồn từ việc chi phí y tế ở nước ta không cao, từ đó kéo theo đãi ngộ cho đội ngũ y tế chưa phù hợp với những áp lực, nguy cơ nghề nghiệp mang lại, nhiều bác sĩ vẫn phải làm thêm những ngành nghề khác.
Các bác sĩ hiên nay vẫn làm việc vì lòng yêu nghề, gắn bó với nghề là chính. Trong thời gian tới chúng ta cần có những chính sách phù hợp cho vấn đề này.
NĐT: Theo ông, thời gian qua, sự phát triển của nền tảng số đã hỗ trợ như thế nào cho việc khám chữa bệnh?
Ông Lê Trung Hải: Ở Việt Nam, việc các thiết bị hỗ trợ khám chữa bệnh từ xa đã được nghiên cứu cách đây 15 năm đối với ngành quân y, giúp hỗ trợ các bệnh nhân ở ngoài biên giới, hải đảo.
Nhưng đến giai đoạn hiện tại, công nghệ ngày càng phát triển khi chúng ta giãn cách xã hội. Nhờ vậy, thời gian qua nhiều ca bệnh cấp cứu đã được cứu chữa kịp thời.
Bên cạnh đó, các chuyên gia hàng đầu có thể trao đổi chuyên môn, khám chữa bệnh cho những vùng sâu, vùng xa có tiếp cận với các dịch vụ y tế.
Từ đó giảm bớt khoảng từ xa trong khám chữa bệnh, chủ các công nghệ số.
Tuy nhiên, ngành y vẫn là ngành cần phải “cầm tay chỉ việc” cần phải được thực hành để có thêm những kinh nghiệm thực tiễn. Việc được khám trên bệnh nhân sẽ có những thông tin chính xác với từng trường hợp.
Các thiết bị là công cụ hỗ trợ cho các bác sĩ rút ngắn thời gian, khoảng cách chuẩn đoán bệnh, nhưng vẫn cần phải có tiếp xúc trực tiếp giữa bác sĩ và bệnh nhân.
NĐT: Với cương vị là Hiệu trưởng của trường cao đẳng Y dược Hà Nội, xin ông chia sẻ kinh nghiệm trong quá trình đào tạo sinh viên?
Ông Lê Trung Hải: Theo tôi, các trường bắt buộc phải chú trọng vào việc đào tạo tay nghề, kim chỉ nam của tôi là “Thao trường đổ mồ hôi, chiến trường ít đổ máu”.
Ví dụ như tại trường nơi tôi đang công tác, trong quá trình học, các em sinh viên được gửi gắm thực tập ở rất nhiều các bệnh viện lớn như bệnh viện Thanh Nhàn, Xanh-pôn, bệnh viện Quân y 108,… Thời gian tới, các em vẫn tiếp tục học lý thuyết tích hợp với thực hành và thường xuyên được trao đổi, học tập ở các bệnh viện.
NĐT: Xin chân thành cảm ơn sự chia sẻ của ông !
Hoa Trà